TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN NGÔI SAO SÁNG CHÓI THẾ KỶ THỨ XV | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Lịch sử truyền thống dòng họ   /  Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn
TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN NGÔI SAO SÁNG CHÓI THẾ KỶ THỨ XV
TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN NGÔI SAO SÁNG CHÓI THẾ KỶ THỨ XV
BBT: Ngày 26-2 năm Canh Tý (tức ngày 19-3-2020) kỷ niệm 591 năm ngày mất của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn (1390-1429). Vào ngày này, hàng năm, con cháu dòng họ Trần Nguyên Hãn khắp nơi trong cả nước tụ hội về khu di tích lịch sử Trần Nguyên Hãn (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) thành kính dâng hương, tri ân Đức Tổ. Năm nay, do tình hình dịch bệnh corona diễn biến phức tạp nên chính quyền địa phương đã có thông báo ngừng tổ chức lễ hội tại đây. Để tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc có nhiều công lao to lớn gây dựng triều (hậu) Lê, giúp vua Lê Lợi đánh thắng giặc Minh xâm lược trong thế kỷ XV, bảo vệ vững chắc giang sơn bờ cõi, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bài viết về Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn.

 

KỶ NIỆM 591 NĂM NGÀY MẤT CỦA TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN

TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN

NGÔI SAO SÁNG CHÓI THẾ KỶ THỨ XV

 

                    Đại tá Trần Nguyên Trung

 

Người con Trang Sơn Đông

Mùa xuân năm Bính Dần (1390), Trần Nguyên Hãn cất tiếng khóc chào đời tại làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là cháu nội của Chương túc Quốc Thượng hầu, Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán và là cháu 6 đời của Chiêu Minh đại vương, Thái sư Trần Quang Khải, dòng dõi vua Trần Thái Tông.

Ngược dòng lịch sử, cuối thế kỷ XIV, nhà Trần suy yếu. Năm 1400 Hồ Quý Ly chiếm đoạt ngôi vua, âm mưu hãm hại tôn tộc nhà Trần. Trước tình hình đó, năm Ất Sửu (1385), Đại tư đồ Trần Nguyên Đán (trí sĩ tại Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) phải cho con trai là Trần Án và con dâu là Lê Thị Hoàn đang mang thai lên lánh nạn tại làng Quan Tử, xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) làm nghề ép dầu đi bán kiếm sống. Một thời gian sau, Trần Án bị quan quân nhà Hồ truy tìm bắt được đem giết. Từ đó, bà Hoàn một mình tần tảo nuôi con khôn lớn.

Ngay từ nhỏ, Trần Nguyên Hãn tỏ ra là một người tài trí, thông minh xuất chúng và có chí lớn. Năm 16 tuổi, Trần Nguyên Hãn đã học hết Tứ thư Ngũ kinh và sách Binh thư yếu lược. Tháng 10 năm 1406, với chiêu bài "phù Trần diệt Hồ" giặc Minh đã đưa 80 vạn quân do Trương Phụ, Mộc Thạnh chỉ huy sang xâm lược nước ta. Tháng 5/1407 chúng bắt được toàn bộ vua quan nhà Hồ đem về Trung Quốc, đồng thời đưa quân đến đóng đồn tại những vùng hiểm yếu, quan trọng để cai trị dân ta, trong đó có vùng Bạch Hạc (nơi có 3 con sông lớn gặp nhau là sông Lô, sông Thao và sông Hồ (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) nhằm khống chế toàn bộ vùng chiến lược Tam Giang. Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, được tận mắt chứng kiến tội ác của giặc Minh ức hiếp dân lành, Trần Nguyên Hãn bầm gan, tím ruột, nhưng cố nuốt hận, ra sức học tập văn võ, nghiền ngẫm binh thư để sớm "đền nợ nước, trả thù nhà". Thấy con trai đã trưởng thành, bà Lê Thị Hoàn lấy thanh kiếm gia bảo bấy lâu nay vẫn được cất giấu kỹ trao cho Trần Nguyên Hãn và nói:

- Cha con quý thanh kiếm này hơn cả tính mạng mình. Cụ Tổ là Trần Quang Khải đã dùng nó để đánh giặc Nguyên Mông. Con là người có chí khí và có tài, đức hãy giữ lấy nó để làm rạng danh cho tổ tông. Trần Nguyên Hãn quỳ xuống đỡ thanh kiếm từ tay mẹ, giọng nghẹn ngào:

- Thưa mẹ, con hiểu lòng mẹ, con sẽ không để danh tiếng của thanh kiếm báu này bị mai một. Con sẽ mài cho nó thêm sắc và dùng vào việc đạo nghĩa.

Bà Hoàn nhìn con, mỉm cười âu yếm, gật đầu.

Tháng Hai năm Canh Dần (1410), Trần Nguyên Hãn bí mật chiêu tập thanh niên trai tráng trong làng, tổ chức luyện quân, lập căn cứ tại rừng Thần, ao Tó, Đầm Trạch (nay gọi là đầm Đa Mang), thuộc hai xã Sơn Đông và Văn Quán. Đây là một khu rừng rậm rạp, xung quanh là đồng chiêm chũng, cách Trang Sơn Đông khoảng 5 - 6 dặm về phía Tây Bắc. Khu rừng chỉ có một con đường độc đạo, vừa để che mắt địch vừa có thể sản xuất lấy lương thực nuôi quân.

Lúc này, quân giặc ở thành Tam Giang ngày càng hung hãn, chúng ra sức cưỡng bóc, cưỡng bức dân lành khiến cho cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ và căm thù chúng lên đến tột độ. Trong một đêm, Trần Nguyên Hãn đã chỉ huy nghĩa quân rừng Thần tổ chức công phá, tiêu diệt thành Tam Giang, làm chủ cả một vùng Bạch Hạc rộng lớn khiến cho quân Minh phải kinh hồn, bạt vía. Tiếng tăm nghĩa quân lừng lẫy khắp vùng.

Với âm mưu cai trị lâu dài nước ta, giặc Minh ngày càng tăng cường, phát triển lực lượng mở rộng vùng đất chiếm đóng. Gần Tết năm Mật Tuất (1418), Trần Nguyên Hãn mang theo 200 nghĩa binh rừng Thần cùng hơn 100 ngựa chiến vào Thanh Hóa tụ nghĩa cùng với nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy để cùng hợp lực đánh giặc cứu nước, cứu dân. Vốn đã biết tiếng tăm về đội quân rừng Thần từ lâu nên Lê Lợi rất vui mừng, thân ra nghênh tiếp và xếp Trần Nguyên Hãn vào Bộ Tham mưu, nằm trong bộ "tứ trụ phù Lê"  giao cho ông việc rèn luyện nghĩa quân. Ngày mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (tức 7/2/1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương.

Những trận đánh lịch sử

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Trần Nguyên Hãn đã cùng với nghĩa quân Lam Sơn không sợ hiểm nguy, xông pha trận mạc, lập nhiều chiến công vang dội, khiến quân thù phải khiếp sợ.

Sau một loạt trận đánh giành thắng lợi, tiêu diệt đồn Đa Căng (Thọ Nguyên, Thọ Xuân, Thanh Hóa), mở đường cho nghĩa quân tiến vào giải phóng toàn bộ vùng Tân Bình - Thuận Hóa (thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), khiến cho giặc Minh ngày càng lâm vào thế bị động, Trần Nguyên Hãn tiếp tục được giao nhiệm vụ thống lĩnh đội thủy binh, phối hợp với các đạo quân do Lê Lợi chỉ huy vây hãm thành Đông Quan. Ngày 22/11/1426, hơn 100 chiến thuyền do ông chỉ huy từ sông Lung Giang (sông Đáy) bí mật ra cửa sông Hát rồi xuôi theo dòng sông Hồng tiến về Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than ngày nay) đánh tan đội thủy binh địch, bắt hơn 100 chiến thuyền giặc, cắt đứt cầu nối Hà Nội - Gia Lâm, đồng thời phối hợp đập tan đạo quân của tướng Phương Chính, giết chết nhiều tên giặc, thu nhiều vũ khí, buộc Vương Thông phải lui vào thành Đông Quan cố thủ và xin vua Minh cho quân ứng cứu. Sau trận đánh này, Trần Nguyên Hãn được phong chức Thái úy, là chức quan cao nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh.

Tháng Chạp năm Bính Ngọ (tháng 1 năm 1427) vua Minh điều động 15 vạn quân, chia thành hai mũi sang ứng cứu Vương Thông, giải vây thành Đông Quan.

Để chủ động đối phó với lực lượng viện binh, Bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định phải khẩn trương đánh chiếm một số cứ điểm của giặc nằm trên trục đường tiến quân của quân Minh, trong đó có thành Xương Giang, thuộc xã Thọ Xương (nay là xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang). Thành Xương Giang là một trong những thành trì được bố phòng rất vững chắc, với nhiều hệ thống bảo vệ hết sức cẩn mật. Trước đó, một số tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn được cử đi hạ thành nhưng không đem lại kết quả. Trần Nguyên Hãn được Lê Lợi giao trực tiếp chỉ huy với nhiệm vụ phải hạ được thành Xương Giang trước khi viện binh của Liễu Thăng kéo đến. Đây là một trong những trận đánh đi vào lịch sử dân tộc, thể hiện tài thao lược quân sự của vị tướng dòng dõi nhà Trần. Sau khi đi thực địa nghiên cứu tình hình, Trần Nguyên Hãn đã cho quân đào các đường hầm bí mật xuyên qua lòng đất, từ ngoài vào trong thành, đồng thời huy động nhân dân tích cực tham gia giúp đỡ nghĩa quân. Sau khi công việc hoàn tất, ông đã trực tiếp chỉ huy nghĩa quân mở cuộc tấn công tổng lực, phối hợp các loại lực lượng, nội công, ngoại kích, bốn mặt cùng đánh. Chỉ sau một canh giờ, toàn bộ quân địch trong thành bị tiêu diệt, các tướng giặc đều bị giết hoặc bị bắt. Hai tên tướng chỉ huy giữ thành là Lý Nhậm và Kim Dận phải tự vẫn. Đánh giá về chiến thắng vẻ vang này, cố Thượng tướng- GS Hoàng Minh Thảo trong bài viết “Trần Nguyên Hãn, nhà chỉ huy quân sự sáng tạo” đã viết: “Trong suốt 9 tháng trời, nhiều lớp tướng lĩnh, nhiều đợt nghĩa quân đã thay nhau công thành mà Xương Giang vẫn nằm trong tay giặc. Từ Đông Đô, Trần Nguyên Hãn đã được Lê Lợi điều về đây. Và, cuối cùng, dưới sự chỉ huy của ông, cuộc vây hãm 9 tháng ròng rã đã biến thành một trận công phá bằng cường lực có sự tham gia của tất cả các lực lượng, diễn ra trong vòng một canh giờ với thắng lợi tuyệt đối: thành bị hạ, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt.”

Chiến thắng thành Xương Giang 10 ngày trước khi viện binh của giặc Minh kéo đến biên giới, đã góp phần quan trọng trong việc tiêu diệt viện binh của địch và giải phóng thành Đông Quan sau này. Đánh giá về chiến thắng thành Xương Giang, sách Đại Việt Thông sử  của nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Có thể nói, trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, đây là lần hiếm hoi có một trận thắng của quân ta triệt hạ được một thành trì quan trọng có số quân lớn. Có lẽ thành công của chiến thắng Xương Giang chỉ đứng sau sự kiện Lý Thường Kiệt hạ thành Ung Châu”

Ngày 18-9 năm Đinh Mùi (tức 8/10/1427) tướng giặc là Liễu Thăng trực tiếp chỉ huy đạo quân tiên phong tiến đánh ải Pha Lũy (Mục Nam Quan ngày nay) do tướng Trần Lựu trấn giữ ải. Thực hiện phương án tác chiến do Trần Nguyên Hãn vạch ra, tướng Trần Lựu giả vờ thua chạy, lui quân về  giữ ải Chi Lăng khiến giặc Minh dương dương tự đắc tiếp tục đốc thúc quân sĩ tiến đánh ải Chi Lăng. Chờ cho quân giặc lọt vào trận địa mai phục, hai đạo quân của Trần Nguyên Hãn và tướng Lê Sát chỉ huy, cùng với tướng Trần Lựu hợp lực vây đánh, tiêu diệt gần một vạn tên. Tổng binh Liễu Thăng bị chém chết tại núi Mã Yên. Phó Tổng binh Bảo Định Bá Lương Minh chỉ huy quân giặc cố liều chết phá vòng vậy chạy về thành Xương Giang, nhưng trên suốt chặng đường từ Chi Lăng về Xương Giang, quân giặc liên tục bị nghĩa quân chặn đánh quyết liệt, bị tiêu hao rất nhiều sinh lực. Phó Tổng binh Lương Minh bị giết chết tại Cần Trạm (thị trấn Kép ngày nay); Thượng thư Lý Khánh phải thắt cổ tự vẫn. Hai viên tướng chỉ huy Thôi Tụ và Hoàng Phúc dẫn tàn quân cố sống cố chết chạy về thành Xương Giang nhưng thành đã bị nghĩa quân chiếm được từ trước đành phải co cụm giữa cánh đồng. Các cánh quân của ta tiếp tục bao vây, chặn đường tiếp lương thảo, khiến cho quân giặc vô cùng khốn đốn, quân lính bị chết đói và bị giết xác chất thành núi.

Chỉ trong 27 ngày, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh bại 10 vạn binh hùng tướng mạnh của nhà Minh. Trong chiến công vang dội ấy, Trần Nguyên Hãn nổi lên như một ngôi sao sáng chói.

Sau đại thắng quân Minh, năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua, tức vua Lê Thái Tổ, đặt quốc hiệu Đại Việt, tiến hành luận công, ban thưởng cho các tướng sĩ. Trần Nguyên Hãn được phong chức Tả Tướng quốc, là chức quan võ cao cấp nhất thời đó và được phong tặng bốn chữ KHAI QUỐC NGUYÊN HUÂN.

                                                                              TNT

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 156
Tổng truy cập: 1285858
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ