SỰ TÍCH ĐỨC ÔNG TRANG NGHỊ ĐẠI VƯƠNG | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
SỰ TÍCH ĐỨC ÔNG TRANG NGHỊ ĐẠI VƯƠNG
SỰ TÍCH ĐỨC ÔNG TRANG NGHỊ ĐẠI VƯƠNG
Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài “Thần tích Trang Nghị Đại vương” in trong sách Địa chí Thái Bình tập 2. Tài liệu này vốn được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu AE a5/ 23 do tiến sĩ Mai Hồng phiên âm và dịch nghĩa. Tài liệu này là cơ sở giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan tới câu chuyện Hoằng Nghị Đại vương.

                                                                

                                                                                      SỰ TÍCH ĐỨC ÔNG TRANG NGHỊ ĐẠI VƯƠNG

 

Trần Quang sưu tầm 

 

Ngọc phả cổ lục Tứ vị âm phủ Đại vương từ thời Đường Ý Tông tới triều Lê Đại Hành Hoàng đế (980-1005) thuộc bộ Càn thứ nhất Thượng đẳng. Thời bấy giờ nước ta đương bị lệ thuộc đời Vũ Đức Hoàng đế thứ 5 (năm 622) triều nhà Đường, chúng cai trị nước ta bắt đầu từ đời Lý Uyên Hoàng đế, buổi đầu đặt quan cai trị nước ta gọi là Giao Châu Đô đốc, sau là quận Giao Chỉ. Tên gọi Giao Châu từ thời Cao Tông nguyên niên, lấy Giao Châu đặt làm An Nam Đô hộ phủ, sau lại đổi nước An Nam ta là Đô hộ phủ. Trong khoảng thời gian ấy, thế nước cáo chung, lòng trời chưa định, các bậc anh hùng nước Nam kế nhau dẹp loạn nước, trải các vua Đường kế nhau sai quan đô hộ nước ta cho tới đời vua Ý Tông tức năm Hàm Thông, đã có 10 đời Đường quan cai trị Đô hộ phủ. Nước Nam ta đều bị khốn khổ vì căn bệnh độc hại lam chướng tiền của chiến tranh. Giữa Đời Đường Hàm Thông đời vua Ý Tông lại cử Yêu Vệ tướng quân Cao Biền: ông họ Cao húy là Biền, cháu của Cao Sùng, con của Cao Luân, mẹ người họ Lý vốn người ở Quảng Đông, gia truyền làm thầy địa lý tinh thông, đời nối đời làm quan. Vào thời Đường, thay quan chức Tù trưởng bằng chức Đô hộ Tổng quản Kinh lược Chiêu thảo sứ tướng quân tất phải trao cho Cao Biền. Cao Biền khấu tạ (vua Đường) đem quân ra đi, tới cửa biển làm lễ cầu đảo trời đất, rồi lệnh cho hơn 5 vạn tinh binh xuống thuyền ra đi từ cửa biển thuận buồm xuôi gió hứng khởi ngâm một vần thơ:

                               Ba quân lẫm liệt xuất trùng quan

                              Vạn dặm sóng cồn vạn dặm an

                             Tự hồng mao chẳng nề sống thác

                             Thờ vua nợ nước dám từ nan?

          Vừa khi đi tới địa đầu huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam, có một ngày đi qua địa đầu trại Yến Liên, sau đổi là trang Hoa Dương, ở đó có một con sông nhỏ (tức xứ nhỏ). Ông trông thấy bốn ông lão, thế mạo dị kỳ ngồi ở trên cầu, khi gặp Cao Biền các ông lão nói cười vui vẻ. Một loáng sau thì bốn ông lão biến mất. Biền công lấy làm quái dị, bèn lệnh cho sĩ tốt thả neo trú thuyền dưới cầu một ngày. Biền công dạo thăm hình thế địa mạch nước Nam thì ông biết rằng, đấy là sự hiển linh mà thần từ ở đất này không phải là thường vậy. Ngay ngày hôm ấy, Biền công muốn lập đàn để yểm đảo, ông tự làm đàn dùng phép thuật yểm đảo triệt tự gốc, tạo vẽ hình thần nhân, đọc thần chú yểm đảo suốt ba ngày chưa xong. Bấy giờ Biền công bỗng thấy mây mù nổi lên, mưa gió ầm ầm kéo tới, giữa ban ngày mà tối như đêm, sóng cuồn cuộn, mây mưa mịt mùng, Biền công thấy lôi hình ngũ sắc, mây lành thăng giáng, khói sóng trùm thuyền. Một loáng khí lành tan hết, trời tạnh mây quang. Biền công lấy làm quái gở, bất giác kinh rợn. Cho tới cuối canh tư đêm ấy, Biền công mơ màng mộng mị, bỗng thấy bốn người con trai quần áo khô ráo (sái) gọn gàng đẹp đẽ, thắt đai ngọc châu, hình dung kỳ dị đi từ bên đường mà lên, tự xưng là tứ vị Lôi Đình (Lôi Oanh): một vị tên là Thanh Cung, một vị tên là Chàng Chiểu, một vị tên là Từ Kinh, một vị tên là Trang Nghị, bọn ta vốn là thần nắm giữ gió mây sấm chớp, chăm chăm phụng mệnh trời giáng làm Thủy thần trông coi bốn phía phương dân, cai quản đất đai cảnh thổ. Ta vốn sinh ra từ đất thịnh vượng, nay thấy ông thì muốn đến thăm hỏi nhau, không cần giấu diếm làm gì chỉ để tự buồn khổ. Bọn bốn người ta vốn trời đã định cho giáng trần chấn giữ âm phù để ngày sau được cùng ông hưởng thực ấp. Nói đoạn, thần nhân xuống thuyền, rồi thăng thiên mà biến (khi ấy là ngày 10 tháng 3). Chốc lát, Biền công tỉnh giấc biết đó là thần linh ứng mộng. Sáng sớm hôm sau ông liền triệu tập các cố lão ở trang Hoa Dương tới hỏi rằng: “Trại ấp các ngươi thờ vị thần nào vậy?”. Các cố lão tâu thưa: “Trại của chúng thần mới lập, trộm dựng ảnh tượng thần bản thổ lên phụng thờ, từ đó dân trại thường được yên ổn”. Ngày hôm đó Biền công truyền lệnh cho binh sĩ và dân trại thăm thú tìm mạch huyệt tốt trong vùng đất thiêng này, để xây dựng miếu đền thờ tự. Ông gia tâm tặng cho nhân dân 10 nén vàng mua thêm ruộng ao để cung cấp cho việc hương khói cúng thờ trăm năm về sau mà không bao giờ sơ suất lãng quên. Ông bèn lập ra lệ tiết cúng tế xuân thu nhị kỳ hàng năm và lệ thường cúng tế ngày 10 tháng 3 (ngày gặp thần trong mộng).

          Lại nói, bấy giờ ở đất Phong Châu có trên 5 vạn tên giặc Man vào xâm lấn bờ cõi. Viên quan dâng tấu vua Đường, vua sai quan truyền lệnh cho Biền công Thứ sử Giao Châu đem quân đi đánh Nam Chiếu (tức Ai Lao), Biền công lập tức điều quân đi đánh Nam Chiếu. Trong một ngày, quan quân vừa tới trang Hoa Dương, huyện Ngự Thiên phủ Tiên Hưng, Biền công ra lệnh cho quân đình trú ngự tại thần từ, kỷ đảo xin thần phù hộ cho quân đi đánh giặc đợi sau khi chiến thắng trở về, sẽ phong sắc cho thần là Thượng Thượng đẳng.

Sáng hôm sau ông bái yết thần từ, đề binh tiến thẳng tới Nam Chiếu đại phá giặc, chém đầu Chánh tướng và Tỳ tướng của chúng gồm 20 thủ cấp, thu hồi vũ khí, xe ngựa của chúng nhiều vô kể. Giặc tháo chạy tan tác chẳng biết đi lối nào hết. Từ đây thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự, Biền công làm sớ tâu lên vua Đường: giặc Man đã quét sạch cũng là nhờ công âm phù trợ của thần linh.

          Vua ban sắc cho Tứ Vị Lôi Oanh là Thượng đẳng phúc thần để thần cùng được trường tồn với trời đất mà việc phụng thờ thần trở thành nghi thức muôn thuở vậy thay.

          Lại nói, vua Đường lại xuống chiếu ban phong cho Biền công là Tiết Độ sứ kiêm chức Chư hành cung Chiêu Thảo sứ và có lời khen Biền công rằng: “Đấy là sự phù trợ rất lớn của Thiên thần mà sức người không thể nào làm nổi”. Sau lại truyền chiếu phong thăng cho ông lên chức Kiểm hiệu Công bộ Thượng thư, Bộc xạ, thưởng cho 100 nén vàng. Mệnh thăng lên chức Tiết độ sứ châu Thiên Bình, Chủ sự đắp thành Đại La. Từ lúc này, vua Đường xuống chiếu triệu Biền công trở về Bắc quốc để nhậm chức Tiết Độ sứ châu Thiên Bình.

 Đến thời Tống Thái Bình bọn tướng Hầu Nhân Bảo đem 30 vạn quân thủy lục chia đường cùng tiến vào xâm lược nước ta. Bấy giờ vua Lê Đại Hành bèn đem 10 vạn tinh binh ra chống cự với giặc, khi quân tới địa đầu trang Hoa Thiên, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam thì gặp thủy quân Tống cũng vừa đi tới. Vua cho sĩ tốt dừng chân ngủ tại thần từ, cầu xin thần ngầm giúp công dẹp giặc, đợi ngày dẹp yên giặc sẽ gia phong mỹ tự. Đến cuối canh ba đêm ấy, vua mông lung ngủ thiếp đi, bỗng mộng thấy bốn chàng trai trẻ, mũ áo chỉnh tề, đường đường từ ngoài đi thẳng vào tự nguyện xin đi theo ngầm giúp việc quân lập chiến công để ngày sau được hiển vị hưởng thần (khi ấy nhằm vào ngày 6 tháng 11). Thần nói đoạn thì liền biến đi. Một loáng sau, nhà vua tỉnh dậy, ngài biết ngay đấy là thần linh báo mộng nhận lời giúp việc quân. Sáng hôm sau lệnh quân ra trận, nhà vua thấy một dải mây xanh từ phía đông bay thẳng tới tỏa ánh sáng huy hoàng khắp cả một vùng, lại thêm một dải cầu vồng xuất hiện vụt lao thẳng từ dưới sông lên không trung mà đi. Kế đó là một trận gió táp mưa sa cuồn cuộn nổi lên, cả bầu trời tối đen mịt mù, sấm dậy sét gầm rung trời lở đất, sông sôi sóng thét muôn ngọn tuôn trào, cây đổ ngói bay… Giữa lúc ấy bỗng có một tiếng sét nổ ầm vang xé ngang trời, khiến cho mọi người đều kinh hãi mịt mùng trong giây lát, mưa ngớt gió ngừng, nhìn bốn phía chân trời người ta đều thấy quang minh sáng láng, sau một trận chiến long trời dậy đất, quân Tống bị tan tác, bọn tướng Nhân Bảo của chúng đều bị giết và lại bắt sống làm tù binh như bọn Đại tướng Biện Phụng Huân giải về kinh sư. Sau khi quân Tống bị tiêu diệt quân sĩ ta khải hoàn, triều đình khao thưởng tướng sĩ là nhờ có công trợ giúp của thần linh. Cho nên (triều đình) tặng phong cho bốn vị Sấm Sét (Lôi Oanh): Trung quân đường đạo, Linh quang hộ quốc, Phù hộ an dân, Dương vũ dực thành, vương Thượng đẳng thần.

          Sắc phong nguyên chữ thần hiệu:

Phong: THANH CUNG ĐẠI VƯƠNG.

Phong: CHÀNG CHIỂU ĐẠI VƯƠNG.

Phong: TỪ KINH ĐẠI VƯƠNG.

Phong: TRANG NGHỊ ĐẠI VƯƠNG.

Chuẩn cho trang Hoa Dương (sau đổi là Trác Dương) phụng thờ.

Từ đó về sau, thường luôn linh thiêng hiển ứng, cho nên đế vương các triều đều có gia phong mỹ tự.

Thời Trần Thái Tông, giặc Nguyên tới xâm lấn nước ta, kinh thành bị vây hãm Trần Quốc Tuấn vâng mệnh cầu đảo trăm thần tại các đền miếu, cũng từng tới đền Tứ Vị (Lôi Oanh) Đại vương và các vị ấy cũng đã có công phù hộ. Đến khi dẹp yên lũ giặc Ô Mã Nhi, Thái Tông đã ban phong mỹ tự cho Tứ Vị là: LINH ỨNG ANH TRIẾT HIỂN HỰU.

Đến thời Lê Thái Tổ khởi nghĩa bình giặc Liễu Thăng thắng lợi, lên ngôi trị vì đất nước, Thái Tổ gia phong cho Tứ Vị là: PHỔ TẾ CƯƠNG NGHỊ ANH LINH. Sắc chỉ ban cho trang Hoa Dương trùng tu miếu điện để phụng thờ các ngài và khuyên rằng: Hãy thi hành mệnh lệnh của trẫm!

Vâng khai ngày thần hiển mộng để cúng tế các ngài trong các tiết xuân thu hàng năm, cùng bốn chữ húy kỵ của các ngài (THANH, CHÀNG, TỪ, TRANG) cấm ngặt không được dùng. Chuẩn cho trang Hoa Dương phụng thờ.

Nghi lễ ngày thần hiển mộng (ngày 10 tháng 3 ngày 6 tháng 11) ở trên lễ dùng cỗ chay quả phẩm, ở mâm dưới lễ dùng xôi, thịt lợn, thịt trâu, rượu, bánh tròn, bánh vuông, liên hoan văn nghệ ca hát nhảy múa rồi dừng.

Nghi lễ dùng trong tiết chính lễ (ngày 15 tháng 8) lễ dùng như ở trên xướng ca cho đủ.

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 156
Tổng truy cập: 1284791
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ